Chuyển đổi số: Quá trình tất yếu của Doanh nghiệp Việt Nam (04/10/2021)
Ngày 29/9/2021, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tiến trình chuyển đổi số”. Sự kiện được tổ chức với mong muốn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu dưới tác động của đại dịch Covid-19 cũng như hiểu được các vấn đề rủi ro pháp lý và phương thức giải quyết tranh chấp khi áp dụng chuyển đổi số.
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu: ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC); ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM); TS. Nguyễn Tuấn Hoa - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); ông Nguyễn Trung Nam - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng Sự Tinh Tú (EP Legal); Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC cùng với sự hiện diện của hơn 140 người đến từ các doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021 tăng 25,7% so với năm 2020. Các giao dịch mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu truyền thống dần thay thế bằng website, sàn thương mại điện tử... Các hợp đồng dùng chữ ký điện tử cũng tăng 17% so với khi chưa có dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ, xu hướng tỉ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu từ năm 2014-2020 đã tăng từ 17% lên đến 41%. Giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu năm 2021 đến nay ước tính đạt 1.250 tỷ USD. Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Cũng theo VECOM, sàn thương mại điện tử trong những năm gần đây đã tỏ rõ là kênh đầu ra cho nông sản hiệu quả như đã đưa sản phẩm dừa ở Bến Tre, sen Đồng Tháp lên online và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên một số sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa - Trọng tài viên VIAC cho rằng thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số và hỗ trợ xuất khẩu nói chung, nông sản nói riêng. Hiện nay doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số bài bản theo từng giai đoạn. Đầu tiên là ứng dụng phần mềm vào quản lý tài chính (kế toán, thanh toán, bán hàng...). Tiếp đến là thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất, kinh doanh tương lai bằng việc ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất. Muốn làm được điều này phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của chuyên gia công nghệ số. Sau đó mới là chuyển đổi toàn diện: ứng dụng AI, blockchain, big data... để phân tích hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự báo thị trường. Cùng với đó, hàng hóa phải có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Liên quan đến giao dịch thương mại điện tử, ông Nguyễn Trung Nam - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng Sự Tinh Tú (EP Legal), Trọng tài viên VIAC cho biết có nhiều bất cập tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động thương mại với yếu tố số hóa. Cụ thể, đó là rủi ro về hợp đồng điện tử không có giá trị pháp lý, xác định danh tính và thu thập chứng cứ khi có tranh chấp. Việc xác minh danh tính của đối tác không dễ dàng và có thể dẫn đến những hành vi phạm pháp như rửa tiền, làm giả giấy tờ. Ngoài ra, thu thập chứng cứ khi có tranh chấp cũng khó khăn. Dữ liệu có thể khó truy cập hoặc không thể truy cập. Ngoài ra, dữ liệu cũng có thể bị xóa, ghi đè, mã hóa hoặc bị ẩn. Bên cạnh đó, doang nghiệp cũng cần lưu ý các quy định riêng của mỗi sàn thương mại điện tử. “Người bán và người mua gần như không quen biết, chưa kể những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thói quen thanh toán, luật quốc tế... Cũng như quy định về thủ tục hải quan và thuế tại Việt Nam. Chính vì vậy vai trò trung gian của sàn thương mại điện tử rất quan trọng”, ông Nguyễn Trung Nam nhấn mạnh./.
- Nguồn tin: www.itpc.gov.vn
- Thời gian nhập: 04/10/2021
- Số lần xem: 1380
CÁC TIN KHÁC
- Xác định ai mới là phân khúc khách hàng của bạn? (04/10/2021)
- MỜI ĐĂNG KÝ THAM DỰ TỌA ĐÀM “DOANH NGHIỆP THÍCH ỨNG COVID-19” (05/10/2021)
- Mời tham gia Hội chợ triển lãm Viet Nam Food Expo 2021 (19/10/2021)
- Khóa tập huấn trực tuyến “Khôi phục doanh nghiệp và thích ứng với môi trường kinh doanh mới”. (21/10/2021)
- Mời tham gia Hội thảo Webinar: Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 (21/10/2021)