Giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư (29/10/2021)

Những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi số?

Các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đặc biệt là từ tác động của đại dịch Covid-19. Có thể khẳng định, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu để doanh nghiệp tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khó khăn lớn nhất và là rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp chính là nhận thức và tư duy “ngại thay đổi” của bộ máy quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Bởi muốn thực hiện chuyển đổi số thành công thì doanh nghiệp phải minh bạch cơ cấu và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức phù hợp, điều này sẽ gây khó khăn bước đầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và dẫn đến tâm lý e ngại thay đổi của bộ máy quản lý cấp cao của doanh nghiệp.

Khó khăn thứ hai mà doanh nghiệp gặp phải chính là thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin để tham mưu lựa chọn giải pháp, và tổ chức quản lý thực hiện hiệu quả các giải pháp công nghệ, triển khai lộ trình thực hiện phù hợp.

Khó khăn thứ ba là nguồn lực vốn để triển khai thực hiện, nhất là ở doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ lệ hơn 97% số doanh nghiệp Việt Nam nên con số thống kê cho thấy hiện chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp đang tham gia thực hiện chuyển đổi số và tỷ lệ này nếu xét trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa thì còn khiêm tốn hơn nữa. Chính điều này cũng dẫn đến suy nghĩ sai lầm là chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, tốn nhiều tiền đầu tư và phải triển khai đồng bộ; trong khi thực tế đòi hỏi mọi doanh nghiệp hiện nay đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.

Vậy câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho lộ trình chuyển đổi số của mình?

Quan điểm chung là mọi doanh nghiệp, nghĩa là không chỉ doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chuyển đổi số. Đầu tiên, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức trong tiếp cận chuyển đổi số, chuyển đổi số là một quá trình, bắt đầu từ khâu đơn giản và từng bước đồng bộ tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn để quản lý vận hành hiệu quả các giải pháp công nghệ lựa chọn áp dụng và chuẩn bị đào tạo người lao động nâng cao nhận thức hiểu biết, và tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Giai đoạn đầu khi chưa có nhân lực chuyên môn thì có thể dựa vào các công ty tư vấn công nghệ thông tin để xác định yêu cầu, lựa chọn giải pháp và xây dựng bước đi, lộ trình phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp cũng cần dành một nguồn lực vốn nhất định để đầu tư cho chuyển đổi số, xác định đây là khoản đầu tư mang lại lợi ích lâu dài. Nếu doanh nghiệp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu thì doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng, ngân hàng hoặc nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất.

Có một thực tế nhiều doanh nghiệp đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số nhưng không ý thức được mình đang thực hiện chuyển đổi số, ví dụ như bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, họp vào thảo luận trên các nền tảng trực tuyến, v.v...

Giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của ITPC?

Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Vì vậy, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cũng phải thực hiện thay đổi theo xu hướng chuyển đổi số. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tự do hóa thương mại nói riêng, nhất là dưới tác động của đại dịch Covid-19. Việc thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại ở trong và nước ngoài cũng làm đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, xu hướng tiêu dùng khiến thị trường thay đổi nhanh chóng.

Chúng ta dễ nhận thấy số lượng các giải pháp công nghệ, các nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng và logistics đang ngày càng gia tăng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và nước ngoài đã triển khai thực hiện các giải pháp trên trong nhiều năm qua nhằm khai thác các hoạt động thương mại “xuyên thời gian và không gian”, “không biên giới” để duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

ITPC đã tích cực chuyển đổi phương thức tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến với trực tiếp. Cụ thể là các hội nghị, hội thảo giới thiệu thông tin thị trường, ngành hàng - sản phẩm, các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn trong và ngoài nước hay kết nối với các trang thương mại điện tử lớn, v.v...

Đối với hoạt động đào tạo, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường thì chúng tôi tập trung đào tạo, huấn luyện ngắn hạn về chuyển đổi số, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên các trang thương mại điện tử uy tín hoặc tổ chức bán hàng online trên các trang web của doanh nghiệp. Tôi cho rằng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tiêu dùng hiện đại trong giai đoạn hiện nay và không ngừng mở rộng, phát triển trong thời gian tới. Số liệu báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy năm 2020, thương mại điện tử nước ta tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô doanh số khoảng 13,2 tỷ USD và tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử năm 2020 cũng tăng hơn 5% so với năm 2019.

Thời gian sắp tới, ITPC sẽ kiến nghị UBND Thành phố cho phép thành lập trang thông tin triển lãm, giới thiệu sản phẩm trực tuyến kết hợp thực hiện, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trực tuyến. Hoạt động này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố ổn định và sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Cơ quan chức năng nhà nước cần có chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình thương mại số?

Thứ nhất, nhà nước cần xây dựng hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và tích cực, chủ động thực hiện chuyển đổi số nói chung và thương mại số nói riêng; có chính sách hỗ trợ tài chính (hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ lãi suất) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và áp dụng giải pháp công nghệ số; xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử như yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối và trang thương mại điện tử; việc xử lý các tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử.

Thứ hai, nhà nước quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thông tin thị trường, ngành hàng - sản phẩm và đối tác thương mại và thực hiện số hóa dữ liệu để doanh nghiệp dễ dàng truy cập và được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ; xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ đào tạo miễn phí cho nhân sự tại chỗ của doanh nghiệp nhằm cung cấp lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ năng tốt để thực hiện quá trình chuyển đổi số nói chung và tham gia đạt hiệu quả vào thương mại số nói riêng.

Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với mức hỗ trợ 100% kinh phí tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến như trưng bày và giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, tham gia các hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm trực tuyến giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận khách hàng quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ của mình.

  • Nguồn tin: www.itpc.gov.vn
  • Thời gian nhập: 29/10/2021
  • Số lần xem: 1008